Thành Tiền | 0đ |
---|---|
Tổng Tiền | 0đ |
Cảnh Đức Trấn nằm ở phía đông bắc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, trong một vùng núi non, nối với bên ngoài nhờ một nhánh sông Trường Giang. Sông chảy từ Huy Châu vào hồ Bà Dương, hòa vào sông Trường Giang và chảy ra biển. Gốm sứ sản xuất tại đây được vận chuyển theo đường thủy đi khắp nơi trên thế giới. Cảnh Đức Trấn được coi là thủ phủ gốm sứ của Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong những nước sản xuất gốm sứ hàng đầu trên thế giới và có nhiều địa phương sản xuất gốm sứ nổi tiếng. Sau đây là một số địa phương nổi bật:
1. Cảnh Đức Trấn: Đây là nơi sản xuất gốm sứ lâu đời nhất và nổi tiếng nhất tại Trung Quốc. Cảnh Đức Trấn được coi là "thủ đô của gốm sứ" và sản xuất ra nhiều loại gốm sứ chất lượng cao.
2. Long Tuyền: Đây là một trong những địa phương sản xuất gốm sứ nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Gốm sứ Long Tuyền được sản xuất từ thời Đường và đặc biệt nổi tiếng với các sản phẩm chén, tô và ấm trà có màu xanh ngọc.
3. Đức Hoá: Nằm ở tỉnh Phúc Kiến, Đức Hoá được biết đến với sản xuất gốm sứ trắng và các sản phẩm trang trí có họa tiết tinh xảo.
4. Nghi Hưng: Đây là một trong những địa phương sản xuất ấm trà nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Gốm sứ Nghi Hưng được sản xuất từ đất sét đặc biệt chỉ có tại vùng này, loại đất này có nhiều khoáng, mang tính thẩm thấu cao, giúp giữ hương vị trà lâu hơn.
Ngoài ra, còn có nhiều địa phương khác ở Trung Quốc sản xuất gốm sứ như Quảng Châu, Phật Sơn, Vân Nam, Khâm Hưng, và các địa phương khác.
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về gốm sứ Cảnh Đức Trấn nhé.
chén khải nung củi của Cảnh Đức Trấn
Phần 1: Lịch sử gốm sứ Cảnh Đức Trấn qua các triệu đại
Cảnh Đức Trấn là một trung tâm sản xuất sứ quan trọng của Trung Quốc, ra đời từ rất sớm, theo một số tài liệu ghi chép thì có thể là từ thời Nam Triều, sang thời Đường đã nung sứ trắng.Thời Tống thì trấn Cảnh Đức có tên là Tân Bình, sau đổi là trấn Xương Nam, đến đời Tống Chân Tông mới đổi là trấn Cảnh Đức. Việc đổi tên này có liên quan đến uy tín và chất lượng sảm phẩm của lò, các sản phẩm của lò làm bằng sứ trắng để cung tiến nhà Vua, dưới đáy có ghi chú ” Cảnh Đức niêm tạo”. Do Cảnh Đức là niên hiệu của vua Tống Chân Tông, chính vì vậy nhà vua đã cho đổi tên trấn thành trấn Cảnh Đức. Từ đó khu lò sứ này không những có tên là sứ Cảnh Đức Trấn mà về tổ chức là “quan giám dân thiêu”, có nghĩa là dân nung quan quản lí. Có thể nói là Cảnh Đức Trấn là lò có tuổi thọ lâu đời nhất so với các lò sứ trên đất Trung Quốc, sản phẩm của lò thường có phong cách đặc trưng riêng ở từng thời kỳ. Lò Cảnh Đức Trấn phát triển mạnh ở thời Tống và đạt đến cực thịnh ở thời Minh, Thanh và phát triển tới tận ngày nay.
Trong thời Tống, lò Cảnh Đức Trấn sản xuất nhiều loại sứ như sứ trắng, sứ xanh, nhưng đặc trưng và nổi tiếng hơn cả là “thanh bạch sứ”, còn gọi là sứ trắng xanh. Sở dĩ gọi là sứ trắng xanh là bởi vì màu men của chúng nằm giữa trắng và xanh, tức là trong xanh có trắng, trong trắng có xanh. Xét từ hàm lượng sắt trong men thì nó gần với trắng hơn. Loại này cũng có tên là sứ “ảnh thanh”. Đặc điểm nổi bật nhất của sứ ảnh thanh là thành cực mỏng, men màu trắng nhưng ánh lên sắc xanh, trên phôi khắc chìm hoa văn, trong ngoài đều hiện rõ.
Tới thời Nguyễn, lò Cảnh Đức vẫn phát triển mạnh, ngoài những sản phẩm sứ thanh bạch còn có “sứ thanh hoa” hay còn gọi là sứ hoa lam và “sứ men lý hồng”. Việc tìm ra men hồng đồng và men lam cô ban để làm ra hai loại đồ sứ trên là một cống hiến to lớn cho nghề sử Trung Quốc. Sứ thanh hoa thường dùng chất lam cô ban vẽ các đồ án hoa văn lên mặt phôi sứ, sau đó phủ men thấu quang lên và nung ở nhiệt độ cao để cho ra các sản phẩm sứ hoa lam dưới men.
Sứ hoa lam có thể ra đời sớm hơn nhưng đến thời Nguyên thì mới đạt tới trình độ cao. Sự ra đời của sư hoa lam cũng dần xóa đi các phương pháp trang trí hoa văn trước đó như khắc, vạch và in.
Vào thời Minh, sứ thanh hoa phát triển cực thịnh, mà tiêu biểu là sứ thanh hoa Cảnh Đức Trấn, đặc trưng nổi bật của sứ thanh hoa là vẽ màu dưới men nên màu không bị bong và biến màu. Màu hoa lam chủ yếu dùng oxit cô ban, nhưng Cảnh Đức Trấn không dùng trực tiếp oxit cô ban, mà dùng một loại khoáng cô ban thiên nhiên. Trong khoảng cô ban, ngoài oxit cô ban là chính ra, còn có một hàm lượng nhỏ oxit sắt, oxit mangan. Tuy là phụ nhưng nó làm cho màu lam phớt lục, co khi lai điểm thêm những chấm đen nhỏ, tăng thêm phần mỹ quan.
Ở các nguồn khoáng thiên nhiên có oxit khác nhau thì màu lam hiện lên cũng khác nhau, chính vì vậy mà hoa lam thời Tuyên Đức và hoa lam thời Khang Hy khác nhau là thế.
Đồ sứ thanh hoa Cảnh Đức Trấn thời Minh được chế tạo rất công phu. Khâu tuyển chọn khoảng cô ban, nghiền thành bột và nung được tiến hành hết sức nghiêm ngặt.
Ngoài ra, ngày xưa Cảnh Đức Trấn dùng củi Tùng để đốt lò và công tác chuẩn bị đốt lò này rất chú trọng phần nghi thức, trước lúc chuẩn bị đốt lò người ta lập bàn cúng (tạm gọi là hương án), cầu cho thần lò phò trợ để thuận lợi trong suốt quá trình đốt lò đến khi hoàn tất sản phẩm. Sau khi xong rồi lại lập tiếp 1 lễ cúng gọi là tạ ơn.
Lửa mồi đốt lò phải được giữ riêng, lửa này được nuôi giữ cẩn thận, không được mồi lửa này để đốt nấu bậy bạ, vì khi đó lửa mất thiêng sẽ đốt cháy hư sản phẩm.
Với những yêu cầu khắt khe qua từng công đoạn đã tạo nên thương hiệu gốm sứ Cảnh Đức Trấn vang danh toàn thế giới và cho đến ngày nay.
Lò nung củi truyền thống
Phần 2: Vì sao gốm sứ Cảnh Đức Trấn được ưa chuộng.
Gốm được sản xuất ở Cảnh Đức Trấn từ cách đây khoảng 2.000 năm, đến thời Đông Tấn, cách đây hơn 1.600 năm thì bắt đầu sản xuất đồ sứ.
Thời hoàng kim, ở Cảnh Đức Trấn có vô số lò gốm với những ngọn khói vươn cao tới tận trời. Trong màn đêm, ngôi trấn đỏ rực dưới những ống khói khổng lồ. Năm 1712, François Xavier d'Entrecolles, một nhà truyền giáo người Pháp đã kể về sự giàu có của Cảnh Đức Trấn trong bức thư gửi một tổ chức Hội Thiên chúa giáo ở Pháp.
Khác với các ngôi trấn nói chung thời đó, Cảnh Đức trấn không có tường bao, vì trấn nằm dưới chân núi, và có sông bao quanh. Sông chính là nguồn khai thác cao lanh để phục vụ cho việc làm gốm sứ.
Sau khi khai thác về, cao lanh được giã nhỏ, nghiền mịn, lọc kỹ, rồi đóng khuôn. Ở Cảnh Đức Trấn, người ta dùng cối nước để giã cao lanh (Dùng sức nước của dòng chảy). Khó có thể hình dung nghề gốm ở Cảnh Đức Trấn nếu không có sông. Trong suốt hơn 1 nghìn năm, người dân Cảnh Đức Trấn đã làm gốm theo phương thức truyền thống này. Tương truyền dọc theo các nhánh sông Trường Giang quanh Cảnh Đức Trấn có tới hơn 6 nghìn cối nước giã cao lanh. Vào mùa hè, khi mực nước dâng cao, tiếng cối giã vang xa cách hàng dặm cũng có thể nghe thấy.
Vốn chữ cao lanh xuất phát từ tên của làng Cao Lĩnh (高岭), ngôi làng nằm sâu sau những dãy núi, cách Cảnh Đức Trấn 45km về phía đông bắc. Gần làng có núi Cao Lĩnh, là nguồn cao lanh dồi dào, một trong những loại cao lanh tốt nhất Trung Quốc. Đây là loại đất sét trắng mịn và giàu khoáng chất, có khả năng chịu nhiệt và chống thấm nước tốt, làm cho sản phẩm gốm sứ được tạo ra từ men kaolin có độ bền cao và màu trắng sáng đẹp mắt.. Năm 1869, nhà địa chất học người Đức Richthophen đã tới đây nghiên cứu và viết một cuốn sách, trong đó ông mô tả chi tiết loại nguyên liệu dùng để làm gốm sứ tại địa phương. Và ông dùng cái tên của ngôi làng để đặt tên cho loại nguyên liệu đó. Từ đó trở đi, danh tiếng của cao lanh vang xa, được coi là loại nguyên liệu tốt nhất để làm gốm sứ.
Khoảng 300 năm trước, một người ở tỉnh Giang Tây tên là Tống Ứng Tinh đã viết cuốn “Thiên công khai vật”, giải thích chi tiết về công nghệ kỹ thuật dân gian thời bấy giờ, trong đó mô tả tỉ mỉ mọi công đoạn làm gốm sứ. Để làm ra được một sản phẩm gốm sứ, cần phải hoàn tất 72 công đoạn. Muốn làm sản phẩm gốm sứ thật tinh xảo thì số công đoạn còn hơn rất nhiều.
Nhờ nguồn cao lanh và sự tài hoa của những người thợ, gốm sứ Cảnh Trấn Đức được đánh giá là có kỹ thuật vượt trội, vào các thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Cảnh Đức Trấn trở thành nơi chuyên sản xuất đồ sứ cho triều đình. Đến đời Minh, Cảnh Đức Trấn đã trở thành trung tâm sản xuất đồ sứ của cả nước, được mệnh danh là kinh đô đồ sứ của Trung Quốc.
Trấn Cảnh Đức
Hình ảnh những chiếc chén khải nung củi của lò truyền thống tại Cảnh Đức Trấn, ngày ngay đa số lò nung củi đã được chuyển đổi sang nung gas để tiết kiệm chi phí và kiểm soát thuận tiện hơn, sản phẩm được sản xuất từ lò nung gas cũng cho ra chất lượng đồng đều hơn.
Tuy nhiên, sản phẩm nung củi vẫn có vị thế riêng bởi tính độc đáo do diêu biến trong lò củi, bởi vị trí sản phẩm được để, bởi khói, bởi gió mà khi sài thiêu sản phảm cho ra những vệt màu độc nhất, khó lòng lặp lại.
Ngoài ra, khi nung củi thì tốc độ men được nóng chảy chậm hơn tạo nên những “lỗ chân lông” (bong bóng khí) dày đặc trên bề mặt sản phẩm, giúp cho trà được lưu hương và vị trà ngọt mềm hơn.
Phần kết
Đồ sứ Cảnh Đức Trấn thường có tạo hình tinh xảo, hoa văn trang trí đa dạng, chủng loại phong phú, phong cách độc đáo.
Năm 2014, Trung Quốc đã xếp hạng Khu triển lãm Văn hóa dân gian và Gốm cổ Cảnh Đức Trấn rộng 83 hecta là thắng cảnh hàng đầu quốc gia.
Ngày nay, gốm cổ nguồn gốc Cảnh Đức Trấn vẫn được các nhà sưu tầm trên thế giới săn lùng. Năm 2016, một chiếc bình rồng sứ trắng xanh thời Minh đã bán được khoảng 18 triệu đôla Mỹ tại Hong Kong.
Kỹ thuật sản xuất gốm ở Cảnh Đức Trấn đã được Trung Quốc xếp hạng là Di sản phi vật thể quốc gia và đã được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Khải men thanh hoa nung củi của Cảnh Đức Trấn